Khai thác tiềm năng nuôi yến ở Tây...
Nhận đặt lịch khảo sát xây nhà yến khu vực duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, ĐBSCL Đối...
Ở nước ta, nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại là một hoạt động sản xuất đã xuất hiện lẻ tẻ từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam bộ. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này đã phát triển khá mạnh và với nhiều loại hình và quy mô khác nhau.
Theo báo cáo sơ bộ của các tỉnh, hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với tổng số 8.304 nhà yến; nhiều nhất là tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; tiếp đến là Đông nam Bộ; Duyên hải miền Trung; một số nhà yến cũng đã xuất hiện tại Bắc Trung Bộ; Tây Nguyên; Đồng bằng Sông Hồng…
Chính sách đã có, triển khai thế nào?
Ngày 22/07/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT quy định tạm thời quản lý nuôi chim yến (Thông tư 35). Ngay sau khi Thông tư 35 có hiệu lực cho thấy những khó khăn, vướng mắc trước đây trong quản lý lĩnh vực nuôi chim yến đã dần được tháo gỡ. Theo đó, Thông tư 35 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên liên quan đến những quy định về quản lý hoạt động nuôi chim yến. Văn bản này ra đời đúng thời điểm thực tiễn đang cần công cụ quản lý.
Việc triển khai Thông tư 35 đã giúp kiểm soát chặt chẽ tình hình nuôi chim yến; trên cơ sở đó đánh giá hiện trạng, nhận định tình hình và có kế hoạch triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm phù hợp, hiệu quả.
Theo đánh giá của Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, Thông tư 35 đã trở thành công cụ hữu hiệu để đánh giá điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sơ chế, bảo quản tổ yến (trước đây chưa có). Thống kê được số lượng nhà yến, kiểm tra đánh giá vệ sinh thú y các nhà nuôi yến góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động nuôi chim yến, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm góp phần đẩy lùi sản phẩm yến giả, kém chất lượng trên thị trường.
Đến ngày 01/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm. Tại khoản 2 Điều 11 có quy định “Đối với dẫn dụ, gây nuôi chim yến: Thiết bị phát âm thanh dẫn dụ đảm bảo không vượt quá 70 đề xi ben A”, tuy nhiên Nghị định không quy định về thời gian phát âm thanh và vị trí đầu tư kinh doanh nuôi chim yến. Để khắc phục thời gian phát âm thanh dẫn dụ chim yến Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2018/NĐ-CP trong đó có bổ sung thời gian phát âm thanh dẫn dụ chim yến.
Sau đó phải kể đến Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể vận dụng để tiến hành xử phạt hành chính đối với hành vi phát âm thanh gây tiếng ồn quá quy định tại cơ sở nuôi chim yến.
Bước sang năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 21/4/2017 về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030, trong đó có các nội dung liên quan đến yến sào. Dựa trên căn cứ pháp lý và những bằng chứng khoa học việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt yến sào Việt Nam là sản phẩm quốc gia là hết sức cần thiết và có thể thực hiện được.
Đặc biệt, Luật Chăn nuôi mới được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018 (có hiệu lực từ 01/01/2020) đã đề ra những quy định cụ thể về quản lý nuôi chim yến, trong đó quy định chi tiết về quản lý nuôi chim yến; về kỹ thuật chăn nuôi; cũng như chỉ ra các tồn tại, hạn chế của nghề nuôi chim yến hiện nay.
Thực tế, kiến thức khoa học kỹ thuật được phát triển trong nghề nuôi chim yến phát triển không ngừng trong những năm qua, một số doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ cao trong nghề nuôi chim yến (Công ty yến sáo Khánh Hòa) như: kỹ thuật ấp nở nhân tạo trứng chim yến; kỹ thuật nuôi nhân tạo chim yến; kỹ thuật sản xuất thức ăn cho chim yến giai đoạn nuôi chim yến nhân tạo; kỹ thuật dẫn dụ, di đàn, dẫn dụ yến, kỹ thuật xây dựng nhà….
Tuy nhiên, về công tác quy hoạch: chưa có quy định cụ thể về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến, đây là một việc rất khó cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt công tác quy hoạch. Thực trạng cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư (trên 90%), nhà nuôi yến được xây dựng trên nhà ở của người dân.
Trong khi đó, về điều kiện cơ sở nuôi chim yến: Quyết định số 2655/QĐ-BNN-PC ngày 29/06/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã bãi bỏ Điều 3 và Điều 4 của Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT, đây là hai điều rất quan trọng liên quan đến điều kiện ban đầu cơ sở nuôi chim yến.
Hơn nữa, quản lý về điều kiện vệ sinh thú y và giám sát dịch bệnh: Chim yến với đặc thù là chim hoang dã, sống thành đàn lớn, bay lượn trên cao nên rất khó kiểm soát dịch bệnh hơn gia cầm khác khi dịch cúm gia cầm xảy ra. Công tác phối hợp giữa địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý chim yến trên địa bàn chưa tốt. Mặc dù đã có Hiệp hội yến sào Việt Nam nhưng chưa thể hiện được vai trò tư vấn (kỹ thuật nuôi chim yến, thông tin về thị trường) và những vấn đề có liên quan đến nuôi chim yến của người dân và hội viên.
Còn nhiều tiềm năng phát triển nuôi chim yến ở Việt Nam
Thực tế, tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta rất lớn. Nhiều tỉnh có lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật cần khai thác tốt để phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho địa phương và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, vùng nào cũng có thể phát triển nghề nuôi chim yến. Để phát triển nghề nuôi chim yến cần có quy hoạch các vùng trong nước; đồng thời có những giải pháp đồng bộ về quản lý, sự phối hợp và thống nhất để có thể phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam.
Cụ thể, nghề nuôi chim đến nay đã được phát triển tại các địa phương trên toàn quốc từ Hải Phòng đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, tỉnh Khánh Hòa với điều kiện tự nhiên thuận lợi, là tỉnh có ngành nghề yến sào phát triển từ lâu đời. Để phát triển ngành nghề nuôi chim yến cần có quy hoạch chi tiết các tiểu vùng địa phương thuộc các xã, phường thuộc các quận, huyện có điều kiện phát triển ngành này. Tuy nhiên, trong cả nước hiện có một số địa phương như: TP. HCM, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Tiền Giang đã thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến. Công tác khảo sát quy hoạch ngành nghề nuôi chim yến tại các địa phương phải được tiến hành do UBND tỉnh chỉ đạo các ngành thực hiện đồng bộ vì lợi ích chung của địa phương và cộng đồng xã hội.
Nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại đã xuất hiện từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, nghề này đã phát triển khá mạnh, với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Dẫn dụ, gây nuôi chim yến và khai thác sản phẩm từ yến là một nghề cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao, 1.500-2000 USD/kg tổ yến. Sản phẩm tổ yến chủ yếu được các công ty xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ khoảng 100-125 triệu USD/năm, đây thực sự là một ngành chăn nuôi quan trọng và có hiệu quả kinh tế cao.
Những doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này như Công ty Yến sào Khánh Hòa, Công ty Yến Quân… đã áp dụng công nghệ cao vào các khâu ấp trứng, nuôi nhân tạo, di đàn, xây nhà yến, dẫn dụ, khai thác tổ yến với quy mô lớn. Người nuôi yến đã được trang bị nhiều kiến thức thực tế cũng như được tập huấn bởi kỹ thuật dẫn dụ và khai thác yến sào.
Đáng chú ý, Hiệp hội yến sào và Chi hội nhà yến đã được hình thành và phát triển về tổ chức cũng như số lượng thành viên. Song song là hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm yến sào được nhà nước và các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đã tăng cường công tác xúc tiến thương mại về sản phẩm yến, đã có các chương trình hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước như Bản ghi nhớ giữa Chi hội nhà yến với Công ty Đông Nam yến Đô (TP Hạ Môn – Trung Quốc).
Khó khăn, thách thức và giải pháp phát triển
Với một nghề có hiệu quả kinh tế cao nhưng thời gian qua việc nuôi chim yến chỉ phát triển mang tính tự phát là chủ yếu. Nuôi chim yến chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng, chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chưa có giá trị xuất khẩu cao vì chủ yếu xuất thô.
Thiếu hoặc không nghiên cứu đầy đủ về khí hậu, thời tiết, vùng sinh thái và tập tính của loại chim yến nhà. Do đó dẫn đến tình trạng xây nhà xong nhưng chim yến không về làm tổ, hoặc ở những vùng có khí hậu mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp làm chim yến chết (theo Báo cáo tại Hội nghị khoa học do Công ty Yến sào Khánh Hòa tổ chức, ngày 8/6/2017).
Qua nghiên cứu hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến quản lý gây nuôi chim yến và thực tiễn giám sát ở một số địa phương còn gặp một số thách thức sau:
Một là, chim yến là động vật hoang dã được quản lý theo quy định tạm thời tại Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, việc quản lý động vật hoang dã có nhiều văn bản pháp luật khác nhau, do nhiều cơ quan quản lý nên gây khó khăn trong việc thực hiện.
Hai là, việc gây nuôi còn mang tính tự phát, phong trào, chưa có định hướng phát triển dài hạn. Do vậy, việc quản lý an toàn dịch bệnh, an toàn cho người còn chưa được đảm bảo.
Ba là, quản lý điều kiện nuôi với đối tượng này còn thiếu. Chưa có quy định về điều kiện chuồng trại phù hợp với tập tính.
Bốn là, việc quản lý, kiểm soát số lượng chim yến gây nuôi và sản lượng sản phẩm còn chưa chặt chẽ.
Năm là, việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định, nhiều khi bị ép giá; việc đầu tư vào khâu chế biến còn chưa được chú trọng, chưa có tiêu chuẩn sản phẩm đối với mặt hàng này, nhiều sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao.
Sáu là, kiếm soát dịch bệnh đối với chim yến còn nhiều bất cập. Vấn đề dịch bệnh chưa được nghiên cứu, kiểm soát nên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn sinh học, dịch bệnh cho động vật và sức khỏe con người.
Bảy là, chưa có quy trình nuôi, phòng chống dịch bệnh, quy cách chuồng trại, dinh dưỡng cho thích hợp với từng đối tượng vật nuôi để làm căn cứ ban hành quy định để quản lý.
Do đó, trong bối cảnh hiện nay, cần thiết phải định hướng quy hoạch nuôi chim yến trên cơ báo cáo thống kê, khảo sát hiện trạng các nhà nuôi chim yến và đề xuất vùng quy hoạch nuôi chim yến trên địa bàn của UBND các tỉnh có điều kiện.
Thêm nữa, cần có các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng nhà nuôi yến đúng kỹ thuật, nuôi chim yến bảo đảm an toàn sinh học. Xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về nhà yến và tổ yến.
Đồng thời, quy định về tần suất và thời gian phát âm thanh dẫn dụ chim yến không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, căn cứ để xử lý vi phạm.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, giải pháp về chính sách, đặc biệt là các giải pháp về khoa học công nghệ liên quan tới phòng trừ dịch bệnh; công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm sau thu hoạch từ tổ yến; bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh với thị trường quốc tế; nhất là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả của các cá nhân, đơn vị về thành quả nghiên cứu khoa học phát triển ngành nghề nuôi chim yến.
Ngoài ra, cũng phải lưu ý tới nhóm giải pháp về thị trường, phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữ vai trò định hướng đặt hàng, tiêu chuẩn nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, nhằm phát huy thế mạnh liên kết làm tiền đề thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả ngành nghề nuôi chim yến.
Theo Hà Anh
Bài viết mới nhất từ Yến Sào Mỹ An